Trong khi bị can Nguyễn Mạnh Tường (nguyên Giám đốc thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường) vẫn chưa đưa ra lời giải thích cho lý do khiến bản thân cảm thấy đăm chiêu, suy nghĩ trước thông tin thấy xác chị H. thì dư luận đã ngay lập tức dấy lên nhiều đồn đoán về những “cảm xúc lạ” đó. Phần lớn tin rằng, vì là một bác sỹ được đào tạo chính quy với nhiều năm kinh nghiệm, bản thân Tường cũng đã tự đưa ra được những lý giải về nguyên do xác chị H. sau nhiều tháng vẫn còn khá nguyên vẹn, qua đó cảm thấy “lăn tăn”. Ở một diễn biến khác, tiến sỹ luật, luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân) lại đưa ra những luận chứng để củng cố cho giả thiết khá “sốc” của mình về thi thể nạn nhân… Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh. Đi tìm nguyên nhân Sau những băn khoăn của bị can Nguyễn Mạnh Tường cũng như những đồn đoán chưa có căn cứ về “cảm xúc lạ” của bị can này, để rộng đường dư luận, PV đã có buổi phỏng vấn ông Ngô Hường Dũng – Phó viện trưởng viện Pháp y Quốc gia (Bộ Y tế) để tìm hiểu thêm về những điều chưa được làm rõ trong vụ án này. Theo ông Ngô Hường Dũng, trường hợp nạn nhân vụ TMV Cát Tường, về nguyên tắc, có thể căn cứ vào việc “xét nghiệm khuê tảo” để đi đến kết luận nạn nhân chết trước hay sau khi ném xuống nước. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn như vậy, bởi để có khuê tảo trong tủy xương, trước hết phải có động tác hít nước vào rất mạnh thì phế nang mới căng, làm vỡ lưới mao mạch vách phế nang gây tổn thương nặng cho mô phổi. Lúc này mới có cơ hội để nước vào đường tuần hoàn mang theo khuê tảo trong nước. Sau khi thâm nhập vào hệ tuần hoàn, khuê tảo sẽ theo máu đến tủy xương. Điều đó cho thấy, để có cơ hội cho khuê tảo vào được tủy xương thì người đó phải có hoạt động hô hấp tương đối bình thường. “Trong vụ án này, qua diễn biến sự việc, kể cả trong trường hợp mà ở thời điểm bị can Tường ném chị H. xuống nước, chắc chắn một điều, lúc đó tình trạng sức khỏe của chị H. nếu còn sống thì cũng không còn các hoạt động chức năng sống bình thường, đặc biệt là chức năng hô hấp và tuần hoàn, vì vậy nên yếu tố đầu tiên để vỡ các phế nang là rất khó”, vị Phó viện trưởng nói. Thứ hai, không phải mọi trường hợp khi khuê tảo xâm nhập được vào vòng tuần hoàn là có thể tìm thấy trong tủy xương, mà còn phụ thuộc vào một số yếu tố như: Độ đậm của khuê tảo, thời gian từ khi khuê tảo xâm nhập đến khi nạn nhân ngừng tuần hoàn… Mặt khác, việc tìm thấy khuê tảo trong tủy xương của nạn nhân mang giá trị chẩn đoán “dương tính”, tức là nếu tìm thấy khuê tảo thì xác định nạn nhân chết trong môi trường nước. Nếu không tìm thấy khuê tảo trong tủy xương thì cũng không loại trừ được khả năng nạn nhân đã chết do ngạt nước. Người ta đã thí nghiệm ngâm xương trong môi trường nước thì khuê tảo vẫn không xâm nhập một cách tự do. Vào thời điểm này, nếu làm xét nghiệm khuê tảo thì chắc chắn phải khai quật tử thi để lấy tủy xương làm xét nghiệm. “Trong vụ án Cát Tường, nếu gia đình chưa thật hoàn toàn tin tưởng, có thể đề nghị để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, giám định lại”, ông Dũng nhấn mạnh. Nhận định về khả năng xác định nguyên nhân cái chết của chị H. vào thời điểm này, vị Phó viện trưởng viện Pháp y Quốc gia cho rằng, có thể nói “không có cơ sở khoa học chắc chắn” để xác định nguyên nhân chết. Không tin đó là xác chị H.? Ở một diễn biến khác, trong một cuộc trao đổi với PV tại văn phòng luật sư Vì Dân, tiến sỹ luật, luật sư Trần Đình Triển cũng bày tỏ những nhận định của cá nhân ông về vụ án đang rất được dư luận quan tâm này. Luật sư Triển mở đầu buổi phỏng vấn bằng một nhận định gây “sốc”: “Tôi có hơn một lý do để không tin đó là xác nạn nhân Cát Tường”. Luật sư Triển cũng khẳng định, bản thân ông rất quan tâm đến vụ án này, ông từng được đào tạo về pháp y và cũng có nhiều kinh nghiệm tham gia giải quyết các vụ án mạng. Luật sư Triển lập luận: “Tính đến thời điểm vớt được xác, thì thi thể chị H. đã nằm dưới sông Hồng suốt 9 tháng, có mùa mưa nước chảy mạnh, có mùa rét, mùa nóng, có mùa nước cạn,… Theo quy luật thông thường, tùy theo môi trường, sau 3 đến 4 tháng thi thể chỉ còn xương. Vậy thì tại sao đã 9 tháng, trong điều kiện nước chảy có sự va đập, có cá và động vật khác,… mà thi thể da thịt mới chỉ đang trong quá trình phân hủy?”. Theo lời vị luật sư, từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, một xác chết nổi lên mặt nước được, bởi sau khi thả xuống nước, vi sinh vật tác động vào đường ruột và ổ bụng sẽ tạo khí, kéo cả xác chết nổi lên. Sau đó, ổ bụng và thành ruột bị phân hủy dần và thi thể bị chìm. “Trong khi bụng chị H. đã bị mổ, xác bị ném từ trên cầu Thanh Trì xuống nước thì bụng và ruột có bị vỡ ra không? Còn đâu không khí chiếm chỗ để mà nổi?”, luật sư Triển đặt nghi vấn. Bên cạnh đó, vị luật sư cũng hoài nghi về kết quả giám định ADN. ông cho rằng, trước những lăn tăn từ các phía (kể cả từ gia đình nạn nhân), sẽ là công bằng hơn nếu thi thể được tìm thấy tại bến đò Văn Đức được đem đi xét nghiệm ADN thêm một lần nữa. Cũng trong buổi phỏng vấn, luật sư Trần Đình Triển còn cho biết, trên quan điểm luật sư, ông đồng ý với tội danh truy tố ban đầu của cơ quan điều tra đối với bị can Tường, đó là tội giết người. Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục đưa tới bạn đọc về những diễn biến mới trong vụ án này. Có căn cứ để truy tố Tường ở mức phạt mới Sáng 21/10, trao đổi với PV về nội dung bản cáo trạng lần hai của VKSND TP.Hà Nội, luật sư Mai Đức Đông (Giám đốc công ty luật Tuệ Anh, đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, VKS đã có lý khi đẩy mức truy tố Tường từ khoản 1 (Điều 242) lên khoản 3, mặc dù về cơ bản, bản chất vụ án không có nhiều thay đổi sau khi tìm thấy xác chị H. “Khoản 3, Điều 242 tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác quy định: Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Do đó về riêng tội danh này, Tường có thể chịu mức án cao nhất là 15 năm tù”, luật sư Đông cho hay. Về lý do Tường bị truy tố khoản 3 mặc dù bản chất vụ án không thay đổi, theo luật sư Đông, cơ quan công tố hoàn toàn có quyền thay đổi quan điểm truy tố, nếu nhận thấy cần phải làm điều đó để giữ gìn kỷ cương pháp luật. “Bản thân ngữ nghĩa của từ “đặc biệt nghiêm trọng” đã rất chung chung. Xét về hành vi, tội của Tường hoàn toàn có thể coi là đặc biệt nghiêm trọng bởi nó gây ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa xã hội, tạo dư luận rất xấu và còn có thể kéo dài mãi. Như thế, tôi cho rằng VKS đã có căn cứ để đẩy mức truy tố đối với bác sỹ này”, vị luật sư nói. Những gợi mở đầu tiên Mới đây, trong một cuộc trao đổi với PV, luật sư Chu Thị Trang Vân (luật sư bào chữa cho Nguyễn Mạnh Tường) cho biết, bà đã bước đầu nắm bắt được nguyên do khiến Tường còn nhiều thắc mắc. Theo đó, trong một buổi tiếp xúc, Tường đã nói với luật sư của mình rằng: “Kết luận điều tra cho biết một trong các nguyên nhân không thể xác định được nguyên nhân chết là bởi thi thể nạn nhân đã bị phân hủy ở dạng sáp hóa. Tuy nhiên, là một bác sỹ, Tường hiểu rằng một thi thể đã bị sáp hóa thì rất khó nổi, đừng nói là nổi hẳn lên mặt nước như lúc được tìm thấy”. LONG NGUYỄNPhó Viện trưởng viện Pháp y Quốc gia Ngô Hường Dũng.
Thi thể nạn nhân vụ Cát Tường và những câu hỏi chưa thể giải đáp
Không có nhận xét nào: